Lượt xem: 1325
Đổi mới quản lý phải từ trường, từ sở
18/09/2018
Tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng với 12 tỉnh ĐBSCL tổ chức tổng kết năm học 2008-2009, tổng kết thi đua các Sở GD& ĐT khu vực 6. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đến dự.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện thân mật với đại biểu trong giờ giải lao
Những thành tựu nổi bật
Nhìn từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009, ĐBSCL đã có bước ổn định về chất lượng giáo dục. Kết quả kỳ thi, Tiền Giang dẫn đầu với tỉ lệ 86,70%, thứ tự tiếp theo Long An 86,01%, Trà Vinh 82,55%, Cà Mau 82,24%, VĩnhA Long 80,92%, Bến Tre 79,76%, An Giang 75,13%, Bạc Liêu 72,80% Đồng Tháp 64,10%, Sóc Trăng 63,60%, Hậu Giang 61,82% và Kiên Giang 59,30%. Trong đó có 6 tỉnh tăng tỉ lệ tốt nghiệp so với năm trước và 6 tỉnh giảm, nhưng tỉ lệ tăng giảm cũng không đáng kể.
Công tác bồi dưỡng học sinh yếu kém, khắc phục học sinh bỏ học, ngồi sai lớp từng bước giảm, có 6 tỉnh học sinh tiểu học bỏ học còn dưới 1%, còn 6 tỉnh còn lại tỉ lệ không quá 1,37%. Học sinh THCS có 5 tỉnh dưới 3%. Học sinh trung học có 5 tỉnh bỏ học trên 5%. Chưa giảm nhiều. Nhiều đại biểu phân tích do nguyên nhân kinh tế. Vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn ở lớp dân cư cận nghèo đang chiếm tỉ lệ cao nhất ở ĐBSCL.
Ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và giảng dạy có bước phát triển mạnh.
Một bước phát triển đáng chú ý là triển khai chương trình phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Kết quả của việc thu hút trẻ 5 tuổi đến trường như sau: Tiền Giang, Vĩnh Long 100%, An Giang, Bạc Liêu trên 99%, thấp nhất là Sóc Trăng 93%. 8 tỉnh có trường Dân tộc nội trú, chất lượng các trường này nâng lên. Theo giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh, kết quả tốt nghiệp THPT thật bất ngờ, tỉ lệ học sinh người dân tộc Khmer đỗ cao hơn học sinh người Kinh.
Kết quả xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực đã triển khai đều khắp, riêng An Giang, mỗi huyện thị đều có trường điểm và năm học tới triển khai đại trà. Ông Nguyễn Thanh Bình, giám đốc Sở GD-ĐT An Giang cho biết, đây là giải pháp để hạn chế học sinh bỏ học.
Giáo viên và các nhà quản lý tham gia hội thi đồ dùng dạy học tự làm tỉnh Vĩnh Long
Giáo viên và các nhà quản lý tham gia hội thi đồ dùng dạy học tự làm tỉnh Vĩnh Long
Nhìn thẳng vào thực trạng
Các đại biểu thẳng thắn nhìn vào thực trạng giáo dục đồng bằng còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thanh Bình (An Giang) cho rằng năng lực quản lý tài chính, tài sản công trong hệ thống giáo dục ở tỉnh còn yếu. Hè này An Giang quyết tâm trang bị kiến thức quản lý ngành này cho các cán bộ quản lý. Ông Bình còn nêu thực trạng, nhiều giáo viên giỏi Sở muốn rút về làm cán bộ quản lý thì họ không chịu vì mất trợ cấp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT ở khu vực nằm trong tầm mong đợi của Bộ. Quyết định tổ chức một kỳ thi lấy kết quả xét tuyển đại học đã sẵn sàng nhưng điều kiện chưa chín muồi cho một kỳ thi như vậy, chúng ta xem đây là cuộc tập dượt, còn tập dượt nữa. Bộ trưởng cũng thống nhất chương trình 37 tuần mà các tỉnh đề xuất, chính sách cho giáo viên dạy nâng kém và đề nghị các địa phương hỗ trợ ngành giáo dục mầm non tin học hoá. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, cần thiết phải đổi mới quản lý, đổi mới phải từ trường, từ sở chớ không chỉ ở Bộ. Bộ GD&ĐT hết sức hoan nghênh An Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Vĩnh Long… có mô hình mới và đề nghị các địa phương có báo cáo ngay về Bộ để nghiên cứu, để khen thưởng nhân rộng.
Nguyễn Văn Tấn- Nguyễn Quốc Ngữ